OECD: Chỉ 9% rác thải nhựa được tái chế trên toàn thế giới trong 2021
Trong
năm 2021, thế giới thải ra 353 triệu tấn rác thải nhựa nhưng lượng rác được tái
chế chỉ đạt 9%, 19% được tiêu hủy và gần 50% được chôn lấp tại các hố rác đủ
tiêu chuẩn.
Ngày 22/2, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)
công bố báo cáo cho biết chưa đến 10% rác thải nhựa được tái chế trên toàn thế
giới, do vậy cần thiết lập các giải pháp mang tính toàn cầu trước thềm các cuộc
đàm phán về một hiệp ước quốc tế đối với vấn đề này.
Theo báo cáo của OECD, trong năm ngoái, thế giới đã sử dụng
460 triệu tấn nhựa, gần gấp đôi so với con số ghi nhận năm 2000. Cùng với đó,
lượng rác thải nhựa cũng đã tăng hơn gấp đôi, lên 353 triệu tấn.
Tuy nhiên, lượng rác thải nhựa được tái chế chỉ đạt 9%, 19%
được tiêu hủy và gần 50% được chôn lấp tại các hố rác đủ tiêu chuẩn. Vẫn còn
22% lượng rác thải nhựa được xử lý tại những bãi rác không đúng quy định, đốt
cháy tại các bãi rác lộ thiên hoặc rò rỉ ra môi trường.
Đại dịch COVID-19 đã chứng kiến việc sử dụng sản phẩm nhựa
trong năm 2020 giảm 2,2% so với năm trước đó. Tuy nhiên, việc sử dụng các sản
phẩm nhựa dùng 1 lần lại tăng lên và việc sử dụng đồ nhựa nói chung dự kiến
cũng sẽ tăng trở lại khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
Báo cáo của OECD cho rằng nhựa góp phần sản sinh ra 3,4% lượng
khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu trong năm 2019, trong đó 90% là từ
hoạt động sản xuất nhựa từ nhiên liệu hóa thạch.
Trước bối cảnh tình trạng ô nhiễm và ấm lên toàn cầu ngày
càng trầm trọng, Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann kêu gọi các nước trên thế giới
cần phối hợp để có những giải pháp mang tính toàn cầu nhằm ứng phó với thách thức
này.
OECD đã đề xuất một loạt biện pháp giúp giải quyết vấn đề
trên, trong đó có phát triển thị trường nhựa tái chế vốn chỉ chiếm 6% hiện nay
vì phần lớn các sản phẩm từ nhựa tái chế thường có giá thành cao hơn.
Trong khi đó, các công nghệ mới liên quan đến việc giảm ô
nhiễm môi trường của nhựa cũng chỉ chiếm 1,2% tất cả những công nghệ liên quan
đến nhựa.
OECD kêu gọi thiết lập những chính sách hạn chế việc sử dụng
nhựa nói chung, đồng thời đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng quản lý rác thải
cơ bản, trong đó cần đầu tư 25 tỷ euro mỗi năm vào những nỗ lực ở các quốc gia
thu nhập thấp và trung bình.
Báo cáo trên của OECD được đưa ra trước thềm một hội nghị về
môi trường của Liên hợp quốc dự kiến bắt đầu vào ngày 28/2 tới tại Nairobi
(Kenya), trong đó các bên tham gia có thể thảo luận một hiệp ước về sử dụng sản
phẩm nhựa trong tương lai.
Theo kết quả cuộc khảo sát do công ty Ipsos thực hiện ở 28
quốc gia và công bố ngày 22/2, trung bình 88% số người được hỏi cho rằng cần có
một hiệp ước quốc tế về chống ô nhiễm nhựa./.