Năm 2021, nhiều
thách thức, khó khăn đặt ra đối với hợp tác ASEAN nói chung, trong đó
có hợp tác về môi trường, nếu đại dịch COVID-19 không được giải quyết
triệt để.
Vì thế, các nước thành viên ASEAN chung tay
thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động do dịch bệnh và tiếp tục hợp tác
chặt chẽ để giải quyết các vấn đề môi trường của khu vực như: biến đổi khí hậu,
môi trường biển và đới bờ, hóa chất và chất thải, quản lý tài nguyên nước, giáo
dục môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học.
Chung tay
giải quyết các vấn đề môi trường
Theo Văn phòng Tổ chức các quan chức cao cấp ASEAN về môi trường của Việt Nam
(Văn phòng ASOEN Việt Nam), năm 2021, Việt Nam tiếp tục tham gia các hoạt động
của các Nhóm công tác ASEAN về biến đổi khí hậu, chủ động triển khai các
hoạt động Việt Nam đang giữ vai trò quốc gia đầu mối.
Việt Nam tham
gia đầy đủ các Hội nghị thường niên trong khuôn khổ các quan chức cao cấp ASEAN
về môi trường (ASOEN), đặc biệt là Hội nghị ASOEN lần thứ 32, Hội nghị cấp bộ
trưởng lần thứ 16 của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về môi trường
(AMME 16) và các Hội nghị khác có liên quan, xây dựng các văn kiện hợp tác
ASEAN dự kiến sẽ trình cấp cao phê duyệt trong năm 2021.
Năm 2021, trong
các lĩnh vực hợp tác của ASOEN, Việt Nam đẩy mạnh hợp tác, trao đổi, chia sẻ
thông tin, dữ liệu, kinh nghiệm, thực hiện tốt vai trò quốc gia đăng cai tổ
chức Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về biến đổi khí hậu lần thứ 11; tổ chức Giải
thưởng các thành phố bền vững về môi trường ASEAN lần thứ 5 và Chứng nhận thành
phố tiềm năng bền vững về môi trường lần thứ 4.
Việt Nam tham gia tích cực, chủ động, hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản và các nước
thành viên triển khai các hoạt động, dự án hợp tác ASEAN-Nhật Bản về môi
trường, biến đổi khí hậu, rác thải biển; duy trì hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc
và các nước thành viên để triển khai các chương trình, dự án hợp tác về môi
trường, biến đổi khí hậu. Đồng thời, Việt Nam phối hợp với các nước đối tác, các
tổ chức quốc tế, triển khai các hoạt động hợp tác ASEAN về môi trường, đặc biệt
là Na Uy, Đức, Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức hợp tác và phát triển Đức (GIZ)…
Năm 2021, các
hoạt động đối ứng của ASOEN Việt Nam tiếp tục được triển khai đồng bộ.
ASOEN Việt Nam xem xét, rà soát, đề xuất ban hành Quy chế tổ chức các Giải
thưởng ASEAN về môi trường tại Việt Nam bao gồm: Giải thưởng các thành phố bền
vững về môi trường; Giải thưởng trường học sinh thái ASEAN; Giải thưởng thanh
niên môi trường ASEAN và các giải thưởng có liên quan. ASOEN Việt Nam tổ chức
các Đoàn công tác của Việt Nam tham dự các Hội nghị, Hội thảo khu vực; hỗ trợ
triển khai các hoạt động đối ứng ưu tiên trong khuôn khổ các Nhóm công tác
ASOEN Việt Nam.
Đóng góp tích cực cho quá trình hội
nhập khu vực
Một bãi thu gom rác thải nhựa để tái chế tại Lào
Cai. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN
Là thành viên có trách nhiệm của Cộng đồng
ASEAN, năm 2020, Việt Nam đã thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm để hoàn thành tốt
trọng trách được giao, đóng góp tích cực cho quá trình hội nhập khu vực trong
lĩnh vực tài nguyên và môi trường, cũng như có vai trò xúc tác cho việc mở rộng
quan hệ hợp tác về lĩnh vực môi trường với các nước, các tổ chức quốc tế
và khu vực.
Trong số những thách thức về môi trường các nước ASEAN đang
phải đối mặt, rác thải nhựa biển, các vấn đề môi trường biển và đới bờ đang được
coi là những thách thức lớn nhất trong khu vực. Ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa đại
dương là vấn đề xuyên biên giới trong tự nhiên vì chúng được vận chuyển qua các
dòng sông và đại dương. Tại Hội nghị trực tuyến lần thứ 21 của Nhóm công
tác ASEAN về môi trường biển và đới bờ (AWGCME 21), các quốc gia
thành viên ASEAN cùng các nước đối tác và các tổ chức đã trao đổi về các
giải pháp tăng cường hiệu quả thực thi Kế hoạch hành động của Nhóm công tác
ASEAN về môi trường biển và đới bờ với 7 lĩnh vực ưu tiên: Bảo tồn các vùng biển
và đới bờ quan trọng; bảo tồn các loài sinh vật biển có nguy cơ tuyệt chủng; giảm
thiểu các sự cố tràn dầu trên biển; giảm thiểu ô nhiễm biển và đới bờ; biến đổi
khí hậu và tác động lên vùng bờ; các loài xâm lấn ven biển và biển; các vấn đề
và tác động của biến đổi khí hậu đối với các vùng ven biển; quản lý tổng hợp
vùng ven biển và quy hoạch không gian biển.
Ông Nguyễn Quế Lâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải
đảo Việt Nam, Trưởng Nhóm công tác ASEAN về môi trường biển và đới bờ
cho biết, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc xây dựng Kế hoạch hành động khu vực
ASEAN về chống rác thải nhựa biển. Thông qua việc chung tay xây dựng
và thực thi Kế hoạch hành động khu vực, các nước thành viên ASEAN sẽ cùng thống
nhất về các tiêu chuẩn chung, khái niệm và số liệu; cùng nhau xây dựng nền tảng
khu vực để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và ứng dụng tiên tiến trong việc giám
sát và giảm thiểu rác thải nhựa.
Trong năm 2020, thông qua hình thức trực tuyến, tại các cuộc
họp có liên quan đến đa dạng sinh học, các quốc gia thành viên ASEAN cùng với
các nước đối tác và các tổ chức nhất trí tăng cường hiệu quả thực thi Kế hoạch
hành động đa dạng sinh học. Cùng với đó, các bên đã cùng nhau cập nhật Kế hoạch
hành động Nhóm công tác ASEAN về bảo tồn đa dạng sinh học; rà soát kết quả Cuộc
họp lần thứ 30 của Nhóm Công tác ASEAN về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học...
Cũng như các quốc gia ASEAN, Việt Nam được công nhận là nước có tính đa dạng
sinh học cao trên thế giới, đa dạng sinh học đã góp phần to lớn trong đảm bảo
an ninh lương thực, sinh kế cho người dân; duy trì nguồn gen vật nuôi, cây trồng;
cung cấp các vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu, dược liệu; tạo nên
các cảnh quan thiên nhiên; là cội nguồn của nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của
người dân Việt Nam. Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các Điều ước quốc tế
về đa dạng sinh học như: Công ước đa dạng sinh học, Công ước Ramsar, Công ước về
thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES),
Công ước Biến đổi khí hậu và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển...
Liên quan đến việc xây dựng Kế hoạch hành động khu vực ASEAN
về chống rác thải nhựa biển, Việt Nam và các nước thành viên ASEAN thể hiện
tinh thần gắn kết để cùng với cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề môi trường
toàn cầu. Tại Hội nghị các quan chức cao cấp ASEAN về môi trường lần thứ 31 và
các Hội nghị khác có liên quan, Đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia ý kiến đóng
góp cho các vấn đề quan trọng, thể hiện trách nhiệm với khu vực, tăng cường mối
quan hệ đa phương cũng như với từng quốc gia trong ASEAN, ASEAN+3.
Đồng thời, Việt Nam cũng kiến nghị với các nước thành viên giải
quyết các vấn đề cấp bách về môi trường bao gồm: Ô nhiễm nước, không khí xuyên
biên giới, rác thải nhựa đại dương, biến đổi khí hậu để đảm bảo mang lại phúc lợi
xã hội tốt hơn và môi trường sống an toàn hơn cũng như bảo tồn và quản lý bền vững
đa dạng sinh học của cộng đồng cho các thế hệ người dân ASEAN của hôm nay và
mai sau. Trong bối cảnh các nước trong khu vực và toàn cầu đang phải ứng phó với
đại dịch COVID-19, Việt Nam cũng kêu gọi các nước thành viên ASEAN cần hợp tác
chặt chẽ, tập trung nguồn lực để từng bước đẩy lùi nguy cơ dịch bệnh, tiếp tục
sát cánh cùng nhau giải quyết các vấn đề môi trường trong khu vực.
Theo Văn phòng ASOEN Việt Nam, năm 2020, với vai trò là đơn vị
đầu mối các hoạt động hợp tác ASEAN về môi trường, Tổng cục Môi trường cũng đã
trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, phê duyệt phương án kiện
toàn các Nhóm công tác ASEAN Việt Nam để nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác của
ASOEN Việt Nam; tiếp tục thực hiện Đề án xây dựng và triển khai Kế
hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN
đến năm 2025.
Văn phòng ASOEN Việt Nam cũng đã hoàn thành việc xây dựng nhiệm
vụ "Xây dựng trang web về các hoạt động của ASOEN Việt Nam" nhằm mục
tiêu giới thiệu, chia sẻ, tăng cường công tác truyền thông về tình hình hợp tác
ASEAN trong lĩnh vực môi trường. Ngoài ra, ASOEN Việt Nam cũng đã tham gia tích
cực vào các hoạt động chung có liên quan của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN
và các sự kiện do Việt Nam chủ trì tổ chức trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020.